TP.HCM SẼ CÓ KHO HỌC LIỆU SỐ CHO HỌC SINH
23 Th10 2023

TP.HCM SẼ CÓ KHO HỌC LIỆU SỐ CHO HỌC SINH

Chiều 17-10, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức hội thảo chủ đề “Giáo dục số”, nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ chuyển đổi số TP.HCM 2023.

Học sinh TP.HCM trong một giờ học trực tuyến - Ảnh: TỰ TRUNG

Đây cũng là sự kiện hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 2023.

Kho học liệu giúp cá nhân hóa học tập

Tại hội thảo, ông Hồ Tấn Minh – chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM – chia sẻ nhiều dự án mà ngành giáo dục TP.HCM đã và đang triển khai nhằm áp dụng công nghệ số nâng cao chất lượng dạy và học.

Một trong những mục tiêu quan trọng là hình thành kho học liệu trực tuyến cho tất cả học sinh và thầy cô trên địa bàn. Các học liệu sẽ không chỉ có mỗi bài giảng video hay PowerPoint mà sẽ đa dạng hình thức, nội dung, hỗ trợ cá nhân hóa học tập của học sinh.

“Nhiều học sinh có những năng lực khác nhau, khi truy cập nền tảng học liệu này sẽ có thể lựa chọn học liệu tương ứng. Các em có thể tìm hiểu và rèn luyện tính tự học”, ông Minh nói.

Trong năm 2023, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và đến năm 2025 sẽ hoàn tất 100% kho học liệu từ lớp 1 đến lớp 12 theo nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sau đó, kho học liệu số sẽ được triển khai miễn phí cho tất cả thầy cô giáo. Nền tảng học liệu số cũng sẽ góp phần đảm bảo tỉ trọng tối thiểu nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến tại TP.HCM đạt trung bình 25% ở bậc tiểu học, 35% ở bậc trung học.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bảo Quốc – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – đánh giá hiện nay nhiều trường tại TP.HCM đã sử dụng dữ liệu ở tần suất và mức độ dày hơn.

Ngoài điểm số còn có những dữ liệu về hành vi của người học thông qua các hệ thống quản lý lớp học.

Nhờ đó, nhiều trường đã tiến hành xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng tiếp cận mới, kết hợp giữa kết quả kiểm tra bằng điểm số và theo dõi hành vi, đáp ứng nhu cầu của học sinh trong quá trình cá nhân hóa quá trình học tập, mở rộng không gian, thời gian của lớp học truyền thống.

Bài toán dữ liệu

Cũng tại hội thảo, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ về quá trình xây dựng dữ liệu ngành giáo dục TP.HCM.

Cụ thể, ngay từ năm học 2016-2017, ngành giáo dục TP.HCM bước đầu xây dựng cơ bản những cơ sở dữ liệu đầu tiên và được kết nối vào trung tâm dữ liệu của TP.HCM, trước hết ở khối mầm non, tiểu học và trung học. Đến năm học 2018-2019, trục liên thông dữ liệu đầu tiên được triển khai cho cấp trung học.

Vì chủ động dữ liệu từ sớm, ngành giáo dục TP.HCM triển khai được rất nhiều ứng dụng.

Chẳng hạn năm 2023-2024, từ nguồn dữ liệu này, ngành giáo dục thành phố lần đầu tiên tổ chức tuyển sinh đầu cấp trực tuyến.

Trong thời gian tới, dựa vào nguồn dữ liệu này, TP.HCM sẽ triển khai xây dựng học bạ số, xây dựng giải pháp phân tích dữ liệu về điểm thi, kiểm tra để hướng nghiệp cho các em.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Tấn Minh, dữ liệu gốc của ngành giáo dục vẫn sẽ phải tiếp tục được chuẩn hóa trong thời gian tới.

Một số dữ liệu gốc còn sai sót ở các trường. Chẳng hạn về mã định danh học sinh, ông Minh cho biết qua thống kê cho thấy toàn thành phố đang có 15.264 trường hợp học sinh chưa nhập được mã định danh, 11.275 trường hợp đang chờ xác thực, 7.506 trường hợp bị nhập sai họ tên và 11.259 trường hợp sai ngày tháng năm sinh.

Cần chương trình giúp sử dụng AI hiệu quả

Chia sẻ với các giáo viên TP.HCM tham dự hội thảo về khả năng áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho giáo dục, ThS Phạm Thi Vương – phó viện trưởng Viện khoa học dữ liệu và AI, Trường ĐH Sài Gòn – lưu ý AI có thể truy cập và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau nhưng không phải lúc nào thông tin này cũng chính xác.

Theo ông Vương, các giáo viên, trường học ở TP.HCM sử dụng AI trong quá trình dạy và học là điều nên làm để tận dụng sức mạnh của công nghệ này.

Tuy nhiên, cần đặt ra quy tắc và giám sát cách AI được sử dụng nhằm đảm bảo rằng AI không bị lạm dụng hoặc sử dụng để gian lận. Cần có những chương trình để đảm bảo rằng giáo viên và học sinh đủ kiến thức về cách sử dụng AI.

NGUỒN: BÁO TUỔI