CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỒNG BỘ, TOÀN DIỆN Ở THANH HÓA
25 Th10 2023

CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỒNG BỘ, TOÀN DIỆN Ở THANH HÓA

Tiếp nối các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023 tại Thanh Hóa, sáng 19/10, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số khu vực Miền Trung; Khai trương cổng dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa và ra mắt app Thanh Hóa – S.

Nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh Thanh Hóa đã thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung chỉ đạo đầu tư đồng bộ hạ tầng số, tổ chức đa dạng các phương thức tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến sâu rộng về chuyển đổi số trong cán bộ, nhân dân.

Hạ tầng dữ liệu, điều hành, giám sát an ninh mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cấp xã, huy động cộng đồng doanh nghiệp cùng đầu tư phát triển hạ tầng số, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ tổ chức, công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay. Với tinh thần thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số và làm sao để người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia, đồng hành vào quá trình chuyển đổi số.

Toàn cảnh hội thảo

Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Về hạ tầng số: Hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin đã được các doanh nghiệp đầu tư triển khai đến hầu khắp các thôn, bản trên địa bàn tỉnh, góp phần sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được đầu tư và duy trì, cung cấp các phần mềm ứng dụng trong cơ quan Đảng và cơ quan nhà nước hoạt động ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Nền tảng chia sẻ, tích hợp nội tỉnh (trục LGSP) hoạt động một cách thường xuyên, ổn định, đáp ứng được việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng nội tỉnh cũng như với các cơ quan trung ương.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo

Phát hiểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: Công nghiệp CNTT đang khẳng định vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Năm 2022, doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT ước đạt 148 tỷ USD, tăng 8%; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 117 tỷ USD, tăng 8,8%; lao động trong lĩnh vực công nghiệp ICT là 1.200.000 người, tăng 6%; nộp ngân sách 40.000 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2021; trên toàn quốc hiện có 6 khu CNTT tập trung và các thành viên chuỗi Khu Công viên phần mềm Quang Trung.

Điều này khẳng định lĩnh vực công nghiệp CNTT có vai trò quan trọng, đóng góp lớn vào GDP của đất nước nói chung và đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương nói riêng. Thanh Hóa cũng như các địa phương miền Trung cần xác định phát triển công nghiệp ICT là cơ hội để đẩy đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế – xã hội nhanh hơn, hiệu quả cao hơn và bền vững hơn.

Bộ TT&TT đánh giá cao việc UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa lĩnh vực CNTT là lĩnh vực có vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương để ưu tiên phát triển bên cạnh các lĩnh vực khác là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số công cộng cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, góp phần thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử. Tính đến hết tháng 6 nắm 2023, toàn tỉnh đã cấp được hơn 85.000 chứng thư số, trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã cấp được hơn 32.000 chứng thư số. Từ số liệu này cho thấy, Thanh Hóa đã xác định chữ ký số là một thành phần quan trọng không thể thiếu trong công tác chuyển đổi số.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ cấp chữ ký số miễn phí cho người dân trên địa bàn tỉnh

Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phổ cập chữ ký số cho người dân trên địa bàn tỉnh, Thanh Hóa đã cùng Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam và các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (CA công cộng) ký kết biên bản ghi nhớ. Qua đó, các CA công cộng cam kết cấp miễn phí chứng thư số cho người dân cùng với nhiều ưu đãi hấp dẫn khác.

Cũng trong dịp này, tỉnh Thanh Hóa khai trương Cổng dữ liệu mở, triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình chuyển đổi số, an toàn thông tin; tổ chức hội thảo về thực trạng, nhu cầu chuyển đổi số, kết nối cung cầu sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tọa đàm, giao lưu về chuyển đổi số với đoàn viên thanh niên, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh Thanh Hóa.

Các đồng chí lãnh đạo Bộ TT&TT và tỉnh Thanh Hóa ấn nút khai trương Cổng dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa, App Thanh Hóa – S

Hội thảo lần này là sự kiện nằm trong hoạt động thường niên của Bộ TT&TT nhằm đưa các sản phẩm, giải pháp, nền tảng Make in Viet Nam xuất sắc để hỗ trợ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại các địa phương nói riêng, cả nước nói chung; góp phần thực hiện chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị về thúc đẩy Chương trình Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

NGUỒN: NEAC