Hàng nghìn startup rối ren vì cú sập Silicon Valley Bank

Hàng nghìn startup rối ren vì cú sập Silicon Valley Bank

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) khiến hàng nghìn startup cạn kiệt tiền mặt, có nguy cơ không đủ trả lương nhân viên tuần tới.

“Lập bảng lương vào tuần tới là một việc chết tiệt”, Nikita Bier, nhà khởi nghiệp nổi tiếng, than phiền trên Twitter ngày 11/3, sau khi SVB bị giới chức California đóng cửa hôm 10/3. Theo Bier, số lượng công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng có tiền gửi tại SVB rất lớn.

Thành lập năm 1983, Silicon Valley Bank trở thành ngân hàng lý tưởng cho các startup, nhất là lĩnh vực công nghệ – vốn được đánh giá là quá rủi ro trong mắt những ngân hàng lớn và lâu đời. Trên website, SVB tự giới thiệu là ngân hàng được lựa chọn bởi gần một nửa các công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi các quỹ tại Mỹ.

Sau khi ngân hàng này bị đặt dưới sự kiểm soát của công ty bảo hiểm FDIC, các công ty khởi nghiệp đang phải vật lộn để trang trải chi phí, trong đó có việc cần xử lý ngay như trả lương nhân viên, duy trì cơ sở hạ tầng quan trọng.

Trụ sở chính của Silicon Valley Bank tại Santa Clara, California. Ảnh:Bloomberg

Trụ sở của Silicon Valley Bank tại Santa Clara, California. Ảnh: Bloomberg

Garry Tan, Giám đốc điều hành công ty hỗ trợ khởi nghiệp Y Combinator (YC), cho biết khoảng 30% startup mà họ làm việc cùng sẽ không thể trả lương trong 30 ngày tới nếu vấn đề với SVB không được giải quyết. Theo ước tính của Tan, hơn 1.000 startup mà YC đầu tư bị ảnh hưởng bởi cú sập Silicon Valley Bank.

“Những người sáng lập đang nhắn tin cho tôi và nói họ không biết làm thế nào vào tuần tới. Liệu họ có phải vay cá nhân để duy trì hoạt động kinh doanh hay phải cho nhân viên nghỉ phép không” Tan nói. Ông đánh giá đây là một rủi ro về cạnh tranh và đổi mới trong nền kinh tế Mỹ trong thập kỷ tới.

“Điện thoại của các quỹ đầu tư mạo hiểm như đang nổ tung bởi các CEO xin lời khuyên cho bảng lương của họ ngày thứ Hai”, Sam Lessin, đối tác tại quỹ Slow Ventures nói, nhấn mạnh việc trả lương là vấn đề cấp bách nhất của các startup lúc này. Một số CEO cho biết họ có thể phải tự ứng tiền để thanh toán trước khi tìm ra phương án mới.

Tình trạng này xảy ra cả với những công ty không làm việc trực tiếp với SVB. Alex Meshkin, sáng lập công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ y tế Flow Health, nói đã có một số nhân viên từ chối đi làm. Với khoảng 1.000 nhân viên, Flow Health đáng lẽ đã trả lương vào cuối tuần. Tuy nhiên, công ty sử dụng hệ thống phần mềm quản lý nhân sự của Rippling, nền tảng thông qua SVB để phát hành séc trả lương. Vì vậy, việc này đã không thể thực hiện đúng hạn. Rippling cũng là công cụ được nhiều startup Mỹ sử dụng.

“Một mớ hỗn độn”, Meshkin nói, chê trách các nhà quản lý và nhà đầu tư SVB vi phạm hợp đồng mà không có một động thái rõ ràng.

Parker Conrad, Giám đốc điều hành Rippling, thừa nhận tình trạng bảng lương của một số khách hàng đang bị trì hoãn do “những thách thức về khả năng thanh toán” của ngân hàng.

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là trả lương cho nhân viên của khách hàng ngay khi có thể. Chúng tôi cũng cần tìm hiểu việc tiếp quản của FDIC sẽ mang lại ý nghĩa gì”, ông nói.

Sam Altman, CEO của OpenAi và cựu chủ tịch Y Combinator, cho rằng đây là lúc các nhà đầu tư startup cần ra tay ứng cứu. Theo ông, nhà đầu tư nên “xem xét cung cấp tiền mặt khẩn cấp cho công ty khởi nghiệp. Không cần tài liệu, không cần điều khoản, chỉ cần gửi tiền”, Altman nói.

Theo Vnexpress.net

Thẻ bài viết: