Phối hợp đồng bộ để hỗ trợ chính sách thuế GTGT phát huy hiệu quả

Phối hợp đồng bộ để hỗ trợ chính sách thuế GTGT phát huy hiệu quả

Để chính sách hỗ trợ của Nhà nước phát huy hiệu quả, bên cạnh công tác tuyên truyền của cơ quan thuế, người nộp thuế cũng cần nghiên cứu kỹ Nghị định số 44/2023/NĐ-CP, tham khảo nội dung tại các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế đối chiếu với hàng hóa, dịch vụ đang kinh doanh để thực hiện.

Đây là ý kiến của ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về tình hình triển khai chính sách của Chính phủ về giảm thuế giá trị gia tăng 2%, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.


Loạt chính sách thuế tạo hiệu ứng mạnh thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong nước

Đã có hướng dẫn và tích cực tuyên truyền tới DN về chính sách hỗ trợ

PV: Xin ông cho biết tình hình triển khai Nghị định số 44/2023/NĐ-CP của Chính phủ về giảm thuế giá trị gia tăng 2%?

Ông Đặng Ngọc Minh: Tính đến ngày 1/8/2023, sau 1 tháng triển khai thực hiện, do chưa đến thời điểm kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 7/2023 nên chưa có số liệu giảm thuế GTGT của tháng 7/2023 theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định về giảm thuế GTGT, chúng tôi đã có thông báo cho các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử (tổ chức nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử và tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử) về việc sẵn sàng nâng cấp giải pháp hóa đơn điện tử và nâng cấp các mẫu biểu kê khai thuế GTGT.

Ngay sau khi Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội được ban hành, Tổng cục Thuế đã có Công điện số 05/CĐ-TCT ngày 30/6/2023 để triển khai.

Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn để kịp thời thực hiện Nghị định số 44/2023/NĐ-CP, đồng thời gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp chỉ đạo thực hiện. Các cơ quan báo chí cũng đã tích cực giới thiệu nội dung mới của Nghị định số 44/2023/NĐ-CP.

PV: Trong quá trình triển khai, ngành Thuế nhận thấy có phát sinh vướng mắc gì được các DN phản ánh?

Ông Đặng Ngọc Minh: Nghị quyết 101/2023/QH15 của Quốc hội quy định việc giảm 2% thuế VAT theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15, do đó nội dung tại Nghị định số 44/2023/NĐ-CP cơ bản kế thừa nội dung đã được quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ đã được thực hiện từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Trong quá trình thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các Cục Thuế đã có nhiều văn bản hướng dẫn về việc xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế và việc lập hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế.

Do đó, trong 1 tháng triển khai Nghị định số 44/2023/NĐ-CP vừa qua, về cơ bản đến thời điểm hiện nay chưa phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

PV: Toàn ngành Thuế đang triển khai giải pháp gì để tháo gỡ để chính sách hỗ trợ phát huy kết quả, các đơn vị liên quan cần làm gì để phối hợp, thưa ông?

Ông Đặng Ngọc Minh: Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại Công điện số 05/CĐ-TCT, các Cục Thuế đã có văn bản gửi các cơ sở kinh doanh trên địa bàn hướng dẫn thực hiện Nghị định số 44/2023/NĐ-CP: giới thiệu các nội dung tại Nghị định, thủ tục thực hiện, xây dựng ứng dụng tra cứu hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT và đặt tại cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.

Các Cục Thuế cũng đã chủ động tổng hợp các công văn trả lời cho cơ sở kinh doanh trong năm 2022 về hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế để thông báo đến người nộp thuế và đăng tải trên website của các Cục Thuế để người nộp thuế tham khảo và áp dụng. Trường hợp có vướng mắc phát sinh liên quan đến Nghị định số 44/2023/NĐ-CP, người nộp thuế liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể.

Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và có hướng dẫn kịp thời cho người nộp thuế để thực hiện Nghị định số 44/2023/NĐ-CP.

Ngoài ra, để chính sách hỗ trợ của Nhà nước phát huy hiệu quả, bên cạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ của cơ quan thuế, người nộp thuế cũng cần nghiên cứu kỹ Nghị định số 44/2023/NĐ-CP, tham khảo nội dung tại các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế đối chiếu với hàng hóa, dịch vụ đang kinh doanh để thực hiện.

Số thu NSNN có nhiều dấu hiệu tích cực sau khi có chính sách hỗ trợ

PV: Xin ông cho biết về tình hình quản lý thuế của các DN nộp thuế lớn, trong đó có TOP 10 DN đến thời điểm này?

Ông Đặng Ngọc Minh: Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Kinh tế trong nước đang chịu nhiều sức ép từ sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn dẫn đến đơn hàng sản xuất giảm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%)…

Để thúc đẩy, hỗ trợ các DN phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất như:

Số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của các DN lớn trong 6 tháng đầu năm cũng phản ánh “sức khỏe” của nền kinh tế, trong đó tháng 1/2023, số thu NSNN đạt mức tăng trưởng cao do kế thừa kết quả sản xuất, kinh doanh từ năm 2022 và giảm dần theo các tháng.

Tuy nhiên, đến tháng 6/2023, số thu NSNN có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy hiệu quả của các chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất của Quốc hội, Chính phủ đã phát huy tác dụng, đi vào cuộc sống, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

Bên cạnh đó, số thu nộp NSNN dấu hiệu tích cực như trên cũng là kết quả của việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp của cơ quan thuế nhằm hỗ trợ các DN phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh như: kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ DN thực hiện khai, nộp thuế theo các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế và tiền thuê đất; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số để hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh cho DN.

PV: Từ “bức tranh” quản lý thuế của các DN đến thời điểm hiện tại, theo ông, cần triển khai các giải pháp gì để ngành thuế hoàn thành tốt mục tiêu?

Ông Đặng Ngọc Minh: Để hoàn thành mục tiêu thu NSNN năm 2023, ngành Thuế đã có một số giải pháp.

Thứ nhất, bám sát chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022, Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán NSNN năm 2023, các quyết định của Bộ Tài chính về giao dự toán thu, chi NSNN năm 2022 và Thông tư số 78/2022/TT-BTC ngày 26/12/2022 quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2023 của Bộ Tài chính.

Tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt, đồng bộ mọi giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 được Quốc hội giao là 1.373.244 tỷ đồng. Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phấn đấu thu năm 2023 với tổng số phấn đấu tăng 6,6% so với dự toán pháp lệnh, trong đó thu thuế, phí nội địa tăng 3,8% so với dự toán pháp lệnh.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế (trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành các giải pháp như: Giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của DN, người dân với quy mô dự kiến khoảng 700 tỷ đồng…). Cơ quan thuế các cấp tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp về gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất đã được ban hành nhằm hỗ trợ người nộp thuế, góp phần giúp người nộp thuế nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hiện đại hóa hệ thống thuế theo yêu cầu tại Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phù hợp với các mục tiêu, định hướng đã đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Thứ tư, thực hiện tốt chương trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về quản lý thuế và chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế; kịp thời triển khai áp dụng các văn bản, chính sách pháp luật vào cuộc sống, đảm bảo minh bạch, công bằng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý thuế.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế; tăng cường các biện pháp phòng chống gian lận hóa đơn điện tử; quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; thúc đẩy cung cấp dịch vụ thuế điện tử; phát triển ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế.

Nguồn: TỔNG CỤC THUẾ – BỘ TÀI CHÍNH