Hàng ngàn doanh nghiệp phải giải trình, sao ‘tiên tri’ nổi người bán có bỏ trốn không?

Hàng ngàn doanh nghiệp phải giải trình, sao ‘tiên tri’ nổi người bán có bỏ trốn không?

Những ngày này nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên sau khi nhận “trát” yêu cầu giải trình từ cơ quan thuế về việc mua phải hóa đơn của doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn điện tử.
Số lượng doanh nghiệp (DN) phải giải trình lên đến hàng ngàn do số DN bị liệt vào danh sách rủi ro lên đến… 524 DN!

Người bán sai, người mua phải ‘tiên tri’?

Những ngày này trên các diễn đàn kế toán, chủ đề giải trình hóa đơn DN bỏ trốn được bàn luận sôi nổi. “Giờ mua bán có hợp đồng, bàn giao, thanh lý còn chưa đủ. Cần có tài tiên tri xem DN bán hàng cho mình tương lai có bỏ trốn hay không”, một kế toán tên Y. bày tỏ bức xúc trên một diễn đàn về thuế.
Trường hợp trên không phải là cá biệt. Chị T., kế toán một DN, cho biết DN này cũng bị một hóa đơn, dù có vài trăm nghìn nhưng thuế gọi lên giải trình lý do “mua hàng của công ty không có thực”. Trên thực tế, theo chị T., DN này mua hàng qua mạng, bên bán cách công ty đến 250km.
Do vậy chỉ có thể trao đổi qua điện thoại, mua hàng xong nhận hóa đơn điện tử qua mail. Trước khi mua, DN cũng đã tra trang “masothue.com” trên cổng thông tin, công ty bên bán vẫn hoạt động bình thường, hóa đơn điện tử được Tổng cục Thuế cấp mã hợp lệ và có tồn tại hóa đơn đó.
Theo chị T., nếu chỉ dừng lại ở giải trình sẽ không sao nhưng nếu phạt thì thật sự rất vô lý vì DN mua thật, có hóa đơn chứng từ đúng theo quy định của pháp luật và được Tổng cục Thuế cấp mã xác nhận nhưng giờ lại nói hóa đơn “ma”.
“Thời đại 4.0, mua bán qua mạng và qua điện thoại là nhiều, vậy mà nhiều công ty đã bị loại chi phí, bị phạt trong khi việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của DN vì một DN có thể dừng hoạt động bất cứ lúc nào. DN bán hàng sai mà người mua hàng phải chịu là quá vô lý”, chị T. bức xúc.
Không chỉ trên các group về thuế, kế toán mà trên các kênh khác cũng xôn xao về việc “bỗng dưng bị mời giải trình” này. Có DN đăng đàn xin mẫu giải trình với cơ quan thuế và gọi đây là “kiếp nạn thứ 82”.

Nhiều DN cho rằng ngành thuế cần rạch ròi trong việc xác định cũng như xử lý trách nhiệm với các hóa đơn của DN bỏ trốn. Đại diện một DN tại TP.HCM cho biết đã bị “dính” hai hóa đơn của DN bỏ trốn, trong đó một hóa đơn mua hàng giá trị 1,5 triệu đồng làm quà tặng và một hóa đơn tiếp khách 5 triệu đồng.
“Chúng tôi phải chứng minh việc mua bán là có thật. Nhưng quà đã tặng rồi, còn hóa đơn ăn uống, tiếp khách thì chứng minh làm sao? Chúng tôi đang tính toán đến tình huống phải bóc tách chi phí này ra, kê khai thuế lại và bị tính tiền chậm nộp. Nhưng như vậy vô lý quá”, vị này nói.

Không lo nếu mua hàng trước khi bên bán bỏ trốn?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Xuân Thành – quyền tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – cho biết ngành thuế đã lọc ra danh sách hơn 500 DN để đưa vào giám sát chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn. Trên thực tế, số lượng DN lọt vào tầm ngắm rủi ro trong sử dụng hóa đơn còn rất nhiều.
“Qua theo dõi, giám sát trên hệ thống, cơ quan thuế sẽ truy vết được các DN lập ra để mua bán hóa đơn… nhằm mục đích trốn thuế” – ông Thành nói. Theo Tổng cục Thuế, đã có hơn 4 tỉ hóa đơn điện tử được phát hành. Và thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân gian lận trong việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử nhằm chiếm đoạt tiền thuế.
Tuy nhiên, luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng để DN tâm phục khẩu phục, ngành thuế cần rạch ròi. Cần phân biệt hóa đơn đó DN đã mua trước hay sau thời điểm DN bên bán bỏ trốn để làm căn cứ xử lý chứ không phải cứ mua phải hóa đơn của DN bỏ trốn là DN mua hàng phải chịu hết.
Theo ông Xoa, nếu đã xuất hóa đơn nhưng không khai thuế đầy đủ, DN bên bán là con nợ của cơ quan thuế, chứ bên mua không phải chịu trách nhiệm vì việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của bên mua. Việc yêu cầu bên mua phải giải trình khi bên bán bỏ trốn là không hợp lý

“Ngành thuế cần xem xét, nếu DN mua trước khi DN bên bán bỏ trốn thì phải chấp nhận cho DN đưa vào chi phí hợp lý hợp lệ. Trường hợp DN mua sau ngày DN bên bán bỏ trốn mới phải chịu loại ra khỏi chi phí. DN bên bán đã sử dụng hóa đơn có mã của cơ quan thuế nên cơ quan thuế cũng phải chịu trách nhiệm một phần”, ông Xoa đề nghị.
Cũng theo ông Xoa, ngành thuế nên thường xuyên rà soát theo từng tháng, từng quý. Nếu sau thời hạn phải nộp tờ khai mà báo cáo thuế không phù hợp với hóa đơn gửi lên, phải lập tức chỉ đạo chi cục thuế địa phương kiểm tra ngay. Như vậy, DN cùng lắm cũng chỉ có thể gian lận một quý, một tháng.
“Cơ quan thuế có đầy đủ công cụ, quyền lực và lực lượng để phát hiện sớm. Nếu xử lý chậm sẽ làm DN bị động, để sự việc trôi qua 2-3 năm rồi truy lại sẽ rất khó cho DN. DN phải lo làm ăn, đóng thuế cho ngân sách nhưng cứ lâu lâu lại bị mời lên giải trình chuyện ngoài tầm kiểm soát như vậy thì còn đâu tâm trí để làm ăn”, ông Xoa nói.

Mua thật thì… không sợ gì?

Theo ông Mai Xuân Thành – quyền tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, mỗi năm có khoảng 7 tỉ hóa đơn điện tử được xuất ra. Vì vậy, Tổng cục Thuế đã triển khai Trung tâm cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử với chức năng phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử, phục vụ công tác quản lý rủi ro trong toàn ngành thuế. Trên hệ thống sẽ lưu vết lại để truy đến cùng những DN cố tình vi phạm mua bán hóa đơn để trục lợi, trốn thuế.
Tổng cục Thuế mới đây cũng nhận được công văn của Công an tỉnh Phú Thọ cho biết trong quá trình điều tra tội phạm mua bán trái phép hóa đơn điện tử, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện một số cá nhân mua lại DN để phát hành hóa đơn, bán cho các cá nhân và tổ chức có nhu cầu. Do đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế tập trung rà soát các hóa đơn xuất bán ra của 524 DN có rủi ro về hóa đơn điện tử, đồng thời rà soát, kiểm tra DN sử dụng hóa đơn của các đơn vị này.

Nếu phát hiện DN đã sử dụng hóa đơn của DN trong số 524 DN bị bêu tên, cơ quan thuế quản lý yêu cầu DN giải trình. Tuy nhiên, theo khẳng định của ông Thành, nếu DN có hoạt động mua – bán, có chuyển tiền, có nhập hàng về kho… thì không sợ gì.